“Chơi với Gốm”: Nguyễn Hồng Tân – làm duyên cho gốm

Dung dị, chân phương, quen mà lạ trên bản đồ gốm Việt, đấy là gốm Chi – một dòng gốm mỹ thuật danh tiếng đất Bắc từ những năm 70 của thế kỷ trước. Gốm Chi với phong cách sáng tác, tạo hình chuyên biệt được các thế hệ gia đình tiếp nối, đó là không có yếu tố chủ đạo, không hoàn hảo, không nguyên tắc, không tỷ lệ, không cân đối… nhưng đậm nét duyên ngầm quyến rũ giới chơi gốm Việt Nam.

Sự khác biệt duyên dáng mà gốm Chi có được so với các sản phẩm gốm phát triển cùng làng nghề là nhờ vào cảm thụ nghệ thuật ở một góc nhìn khác liên quan đến hội họa. Nguyễn Hồng Tân chia sẻ: “Nếu chỉ là người thợ gốm, cách nhìn, cách thể hiện về nghề sẽ thể hiện qua sản phẩm, có thể là một người đắp cốt, tạo hình giỏi, nhưng vẫn ở mức độ giới hạn của người thợ. Để vượt qua ngưỡng ấy, đạt đến một trình độ nghệ thuật, cần phải có thêm nhiều trải nghiệm với kiến thức để bổ trợ cho sáng tác. Ngôn ngữ trong gốm Chi là sự tổng hòa yếu tổ ảnh hưởng thẩm mỹ của hội họa, điêu khắc hiện đại, cảm xúc, là sự pha trộn của những dung dị, xộc xệch hằn trên cốt gốm từ ngay lúc tạo hình. Còn về sắc độ men gốm, khi sáng tác, tôi không đặt nặng khái niệm phải là màu gì, mà chính yếu là tạo ra xúc cảm và thẩm mỹ cho vật phẩm ấy”.

Chén gốm với các gam màu biến ảo kỳ diệu trong kỹ thuật tạo men của gốm Chi.

“Sản phẩm gốm Chi khi ra lò, cái nào cũng có lỗi, chẳng khi nào đẹp toàn vẹn. Cái xộc xệch, ngô nghê ấy lại là nét duyên dáng rất riêng của gốm Chi.”

Gốm Chi có xuất phát điểm không gắn với làng nghề, thế nên quan điểm, cách nhìn nhận về gốm khác biệt, tạo ra các sản phẩm khác biệt, không bị gò ép theo kiểu thức tạo dáng rập khuôn kiểu như làm ấm trà phải có hình tròn, cái chum phải khum khum… những định kiến quy chuẩn mang quan niệm làng nghề dễ khiến người làm gốm loanh quanh với những khuôn phép, và tự mình bó hẹp lại với nghề. Nhìn trong gốm Chi, yếu tố thủ công của nghề gốm được đẩy lên tối đa trong từng sản phẩm, người ta thấy ở đó sự giản đơn, gần gũi, quen thuộc. Phong cách chế tác được Tân xác định: “Sáng tác gốm Chi không bị gò ép vào khuôn thức cụ thể. Gốm được tạo thành theo những suy nghĩ của bản thân, làm ra tác phẩm mới cho mình trước, rồi đưa cái mới ấy đến khách hàng để họ tùy ý đánh giá; có thể nhận định đẹp, xấu tùy quan điểm từng người, yêu thích hoặc chối bỏ là quyền của khách hàng, nhưng quan trọng nhất là dám làm và làm được điều mình thích”.

Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Tân và không gian sáng tác gốm đương đại, có thể thấy trong đó rất nhiều tác phẩm có tạo hình đậm ngôn ngữ điêu khắc.

Nghệ sĩ gốm Nguyễn Hồng Tân trong xưởng chế tác gốm ở Hà Nội.

Gốm Chi có hai dòng sản phẩm rõ rệt gồm đồ thủ công, gốm gia dụng, trang trí, và tác phẩm sáng tác. Cả hai đều có điểm chung là tính hấp dẫn cao. Tân chia sẻ thêm về nghề: “Làm gốm theo đơn hàng mang nhiều khó khăn nhất định, do khi chế tác dựa nhiều vào yếu tố ngẫu hứng, từ cốt, men, nhiệt độ nung, thời tiết… khi hoàn thiện khách hàng yêu cầu làm lại giống hệt cái cũ thì chịu… đấy là khuyết điểm của thủ công. Còn trong gốm sáng tác, tôi làm ra tác phẩm cho mình trước, không đặt nặng chuyện mua bán, bởi nếu chưa ra thành phẩm mà trong đầu cứ phải nghĩ khi xong sẽ bán cho ai, bán được giá bao nhiêu, sẽ thành tư duy của một người sản xuất, chứ không phải nghệ sĩ. Kiếm tiền quan trọng, nhưng kiếm tiền ở mảng khác, chứ không phải trong sáng tác nghệ thuật. Người chơi bây giờ họ tinh lắm, nhìn vào sản phẩm hay tác phẩm, họ luận ra ngay”.

Hoa văn nổi trên nền gạch, một dòng sản phẩm mỹ thuật cao cấp trong chế tác của gốm Chi.

Ngôn ngữ tạo hình trong gốm Chi rất đa dạng, từ cổ điển đến các phong cách đương đại.

“Tác phẩm gốm Chi không mang dụng ý trang trí,trưng bày trong không gian định hình sẵn kiểu mỹ thuật ứng dụng, mà để tôn lên nét duyên trong gốm, cần một không gian để thiết kế riêng.”

Các sản phẩm đa dạng trong mẫu mã thiết kế của gốm Chi.

Nguyễn Hồng Tân trong giờ chỉ dạy làm gốm cho các học viên nước ngoài tại xưởng.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình – Ảnh: Oxy Studio – Sắp đặt: Hoàng Huy.