Dịu dàng gốm Chi
Một dòng gốm không rực rỡ, nhưng gây tác động mạnh với người xem bởi chất men và kiểu dáng lạ lẫm. Người ta gọi dòng gốm này là một thiếu nữ thôn quê mộc mạc, chất phác, nhưng có cái duyên ngầm rất đáng yêu. Đó là gốm Chi, một thương hiệu nổi tiếng trong giới mỹ thuật được xây dựng bởi nghệ nhân Nguyễn Chi.

Sự khác biệt làm nên thương hiệu

Khách đến thăm xưởng gốm Chi ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội đều thích thú bởi hàng ngàn sản phẩm gốm mộc mạc, nhưng gây được cảm giác trực tiếp. Hầu hết, những sản phẩm này được làm độc bản, đầy tính ngẫu hứng với màu men tự nhiên biến ảo, không theo quy chuẩn. Đó là điểm khác biệt, để gốm Chi là dòng riêng biệt, có những cái độc đáo mà các làng gốm khác như Bát Tràng, Hương Canh, Chu Đậu, Phù Lãng... không có. Ba điều làm nên sự khác biệt là: Dáng, men, trang trí. Về kiểu dáng, gốm Chi luôn tạo ra được sự thanh thản. Một chiếc bình cách điệu, được thổi vào đó tinh thần của người nghệ nhân tài hoa. Mỗi bình gốm đều có dáng cao, miệng ngắn, độ eo cân đối, với những họa tiết đơn giản. Lớp men tráng lên bề mặt gốm không đều đặn, mà phủ chỗ dày, chỗ mỏng, chỗ để trống, chỗ khác lại nhỏ giọt thả buông, tạo nên sự gợi cảm chiều sâu tinh tế. Về cách thức trang trí, gốm Chi không màu mè sặc sỡ. Đôi khi chỉ là sự cách điệu, tạo điểm nhấn bằng vài ba chi tiết đơn giản, hoặc một vài màu nền nã, nhưng hiệu quả cao.

Thói quen thông thường, những bình gốm được tạo ra một cách tròn trịa, có độ bóng cao, nhưng gốm Chi không bóng mà vẫn thẩm mỹ. Đó là một cá tính sáng tạo, chứng tỏ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. Nhiều khách nước ngoài đến với gốm Chi, họ bị cuốn hút bởi màu men xưa cũ, như những vết thời gian loang lổ, gợi hoài cảm, rung động. Điều đó, càng cho ta thấy khả năng sáng tạo của con người là vô hạn. Nghệ nhân Nguyễn Chi là người đầu tiên đã tạo ra được thương hiệu riêng, với nhiều sản phẩm độc quyền không ai có thể bắt chước.

 
 Ông Chi bên sản phẩm gốm.

Ông Nguyễn Chi sinh ra trong gia đình có cha làm nghệ gốm ở Trà Cổ - Móng Cái - Quảng Ninh. Từ nhỏ, Nguyễn Chi đã được học nghề và chẳng bao lâu thành thạo. Nói về thời đó, ông Chi rưng rưng: "Cha tôi là nhà doanh nghiệp khởi sự từ một chiếc thuyền đi buôn củi, bán cho các lò bát ở Móng Cái. Rồi cụ mua được những món bát sứt mẻ về bán ở vùng quê nghèo Hải Dương. Năm 1940, ông cụ đón thợ xây lò sản xuất bát đĩa, ấm chén có tên Vĩnh Long tại Chí Linh - Hải Dương. Do kháng chiến, gia đình phải chuyển về Bắc Giang làm nghề. Ông cụ thành nhà tư sản. Thế rồi, năm 1958, nhà tư sản ở tuổi 60 được cải tạo xong cùng tập thể hóa tài sản. Gia đình tôi trở lại nguyên trạng, với bàn tay trắng". Sống trong cảnh nghèo khổ, vật vã, mãi đến năm 1970, Nguyễn Chi về làm lò gốm chui, sản xuất cái ấm, cái bình bằng đất sét, với chất men tự tạo, khó khăn chồng chất khó khăn. Ông Chi kể thêm: "Ngày đó không chấp nhận làm ăn cá thể, tôi phải tận dụng, kiếm từng chút đất làm lò và làm nguyên vật liệu. Lại nữa, khoảng năm 1970-1971, người ta chỉ dùng lọ thuỷ tinh 3 ngấn, lọ lục bình và lọ đất sơn để cắm hoa thì tôi "tung ra" sự phong phú về dáng và chất liệu gốm dân giã, không quy chuẩn. Thế rồi người ta đã quý sản phẩm của tôi". Đồ ông Chi làm không rực rỡ, tươi rói, nhưng được những người am tường mỹ thuật thích thú. Họ đến với ông nhiều vì cái lạ, cái độc. "Lúc đó, giá của tôi cao lắm" - Ông Chi hứng khởi nói.

Đến với gốm Chi, khách hàng còn được sống lại với phố phường Hà Nội cổ. Phố cổ trong tranh (theo những mẫu của danh họa Bùi Xuân Phái) được các nghệ nhân gốm Chi sáng tạo nên thành sản phẩm bằng gốm, rất đơn sơ mà đầy mỹ cảm. Những ngôi nhà cổ kính, ô cửa nhỏ, mái ngói xô nghiêng, những cây cột điện đứng im lìm... như một sự cụ thể hóa, một phát triển mới dòng tranh phố Bùi Xuân Phái. Hàng trăm ngôi nhà như thế, với sự khác biệt nhau, tạo cảm giác trở về không gian của Hà Nội xưa cũ.

Yêu nghề nghề chẳng phụ

Không phải tất cả mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh của gốm Chi đều thuận lợi. Ông Nguyễn Chi vẫn thấm thía một thời, loại gốm của ông bị coi là đồ bỏ đi. Lúc đó, người ta thích sự tròn trịa, cân xứng, họa tiết rõ ràng, màu men rực rỡ bắt mắt. Sau một thời gian, giá trị của gốm Chi mới được công nhận. Nghề làm gốm cần phải cần mẫn, chăm chỉ, sáng tạo. Khi nung gốm, cũng cần những kiến thức kỹ thuật vô cùng phức tạp, chưa nói gì đến chuyện chọn và chế biến chất liệu, để làm thành sản phẩm thô. Bố con ông Chi đã phải thử nhiều mẻ gốm để lấy kinh nghiệm, và những cuộc thử đó, họ phải trả giá đắt. Yêu nghề nghề chẳng phụ, cái giá để có sự thành công cũng là xứng đáng.

Gốm Chi có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà, làm phong phú dòng gốm dân gian, tạo ra sự đột phá mới về khả năng sáng tạo. Ngoài ra, đóng góp của gốm Chi cho việc trùng tu, phục chế những di tích lịch sử văn hóa dân tộc rất lớn. Các loại men ngói Thanh lưu ly, Hoàng lưu ly bị thất truyền, trong khi nhiều cung điện, lăng tẩm ở Huế cần tôn tạo. Năm 1989, ông Chi được mời vào Huế chủ trì việc làm ngói Thanh lưu ly, Hoàng lưu ly. Mẻ đầu tiên trong sự lo lắng thấp thỏm của lãnh đạo ngành văn hóa Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo Trung tâm trùng tu văn hóa Huế. Ông Chi không phụ lòng tin của mọi người, những viên ngói Thanh lưu ly, Hoàng lưu ly vừa ra lò được sự đón nhận hân hoan của mọi người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gọi ông Chi là vị cứu tinh của nhiều di tích Huế. Ông Chi cũng là người cung cấp gạch lát cho di tích cột cờ Hà Nội khi tu sửa vào cuối thập kỷ 80. Ông Chi tin tưởng vào con trai Nguyễn Hồng Tân, là người nắm được cái hồn cốt trong nghề, được giới mỹ thuật đánh giá cao. Anh có nhiều ý tưởng trong việc tạo ra những mẫu sản phẩm mới, làm rực rỡ thêm dòng gốm Chi. Gốm Chi sẽ vẫn giữ được sự tin yêu của nhân dân, trong những sản phẩm giản dị, dịu dàng mà có chiều sâu nghệ thuật.          

Văn Học