Nghệ thuật thưởng trà Việt

Một tách trà cũng đủ gói trọn tinh hoa văn hóa Á Đông. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hòa được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Á Đông thường quan niệm rằng thưởng trà chính là ta đang đào sâu văn hóa để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.

Người ta thường hay nghe đến trà đạo Nhật bản, nhưng mấy ai biết rằng Việt Nam cũng có một văn hóa trà và một nghệ thuật thưởng trà rất riêng. Sử sách chép rằng trong triều đại nhà nguyễn, dưới thời trị vị của nhà vua Tự Đức, người dân đã biết cách lấy trà, gói thành từng gói giấy nhỏ, sau đó thả vào trong từng bông hoa sen, đêm xuống cánh hoa sen cúp lại, ấp ủ, những dúm trà được thấm đẫm hương thơm của sen, nhưng nếu để có một lượng lớn trà ướp hoa sen thì người dân phải gỡ lấy hạt trắng ở mỗi nhụy hoa sen, hạt trắng này thường được gọi là gạo sen, rồi sau đó đem đi trộn lẫn với trà, rồi ủ kín. Khi gạo sen khô héo và teo lại, thì đem đi sấy với lửa liu riu để giữ được mùi hương tự nhiên của hoa sen.. Đây quả là một quá trình rất công phu, mất nhiều thời gian, nhưng để có được loại trà thơm, ngon thì cũng thật xứng đáng

 

Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ ấm, ngũ quân anh là câu nói miêu tả toàn bộ nghệ thuật và văn hóa trà của người Việt. Trà ngon nhất khi được pha với loại nước thanh khiết tự nhiên, và nước ngon nhất là nước đọng trên lá sen, hoặc nước được hứng từ mo cau, có nhiều người rất kỳ công trong việc lấy nước pha trà, người  ta trộn nước mưa với nước giếng, loại nước này được gọi là nước âm dương ( trời là dương, đất là âm ). Nước cần phải được đun trên bếp than hoa bằng nồi đất, vì dùng than hoa nước sẽ không bị bám mùi của khói như đun bằng dầu, rơm … tùy từng loại trà mà chúng ta đun nước ở độ sôi khác nhau, đối với trà xanh thì nước cần đun sủi tăm, còn đối với các loại ướp hương sen, hương nhài, hương cúc … thì nước cần đun sôi ở đầu nhang, bởi nhiệt độ của nước ảnh hưởng đến vị ngon của trà, nếu không đủ độ sôi thì trà sẽ không phai ra, còn nếu nhiệt độ cao quá sẽ khiến cho trà bị nồng, mất vị thơm và thường được gọi là “cháy” trà.

Ngoài các yếu tố quyết định chất như nước & hương trà thì có một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cảm quan người thưởng trà đó chính là bôi (chén trà) và ấm.

Từ xưa đến nay, thưởng trà có ba loại ấm chính: ấm Tử Sa, ấm gốm & ấm sứ. Ấm Tử Sa vốn là loại ấm chuyên dụng được làm bằng đất sét tím chỉ có ở Trung quốc có khả năng hấp thụ trà, chính vì vậy nên giá thành đắt và chỉ nên dùng cho một loại trà duy nhất trong một thời gian dài. Ở Việt Nam hiện nay, loại ấm chủ yếu hay được dùng là ấm gốm & ấm sứ. Tuy nhiên ấm sứ chỉ nên dùng để trưng bày vì loại ấm này thiết kế không đồng đều giữa bên trong & bên ngoài, làm mất cái chất của hương & vị của trà. Chính vì vậy ấm chén thưởng trà nên là ấm gốm, để người ta cảm nhận được cái chất men mềm khi nếm dư vị, cầm chắc mà vẫn nhẹ tay. Ấm gốm không chỉ giữ nhiệt mà còn để nhiệt tỏa đều trong ấm, giúp trà “tiết” được hết các dư vị và chất dinh dưỡng, để ta cảm nhận được từng hương riêng trong chén trà.