Gốm Chi lan tỏa tình yêu gốm bằng câu chuyện truyền thống và đương đại

Có dịp trò chuyện với Họa sĩ – Giảng viên khoa nội thất (ĐH Kiến trúc HN) Lý Hoài Thu  - một thành viên của gia đình Gốm Chi trong một sáng thu đẹp trời, chị đã chia sẻ với Tạp chí Sống Mới rất nhiều câu chuyện về lịch sử của nghề gốm gia đình, về tình yêu với gốm và những hoài bão rất đẹp của hai vợ chồng họa sĩ cùng các thành viên gia đình với xưởng gốm gia truyền.

 

 

Chào chị Thu, cái tên Gốm Chi xuất phát từ đâu?

Chi là tên bố chồng mình, ông nổi tiếng từ năm 1970, cách đây gần 50 năm với nghề gốm. Thậm chí, những người yêu thích gốm thế kỷ trước còn đặt cho ông cái tên Chi “lọ” bởi sản phẩm lọ gốm của nhà mình thực sự rất nghệ thuật bởi quá khác biệt nên đã ghi dấu ấn với khách hàng.

Trước đây, nhà chồng mình ở Nguyễn Du, đến giờ quay lại chốn cũ, dân hàng phố vẫn còn nhớ nhà ông Chi thường phơi bình, lọ gốm trên vỉa hè lúc trời nắng ra sao, vẫn nhớ rằng có một gia đình làm gốm nức tiếng từng ở trên con phố đầy hoa sữa này thế nào. Những kỷ niệm như thế, khiến hai vợ chồng mình cùng các thành viên gia đình càng có động lực tiếp nối và phát triển Gốm Chi.

 

 

Nét đặc sắc riêng có nào để người yêu gốm nhận ra Gốm Chi?

Tính độc nhất và gia truyền của Gốm Chi chính là dáng gốm và men gốm khá ngẫu hứng. Gốm Chi thời bố chồng mình làm đặc biệt ở cách tạo dáng với những chuyển động ngẫu hứng, giàu cảm xúc với những tứ sáng tạo đến từ con người, thiên nhiên và cuộc sống… Trong khi đó, ông biến hóa men với nhiều cung bậc từ men sần, men chảy… thú vị nhất là do cách làm men đầy cảm xúc nghệ sĩ, tạo nên sự độc đáo đầy cá tính khiến Gốm Chi dễ được mọi người nhận ra. Cũng vì vậy mà các sản phẩm gốm thủ công của gia đình mình rất nặng, đầm và đầy tính nghệ thuật.

 

 

Vậy Gốm Chi ngày nay tiếp nối và phát triển ra sao?

Mình cùng ông xã và các thành viên gia đình vẫn luôn giữ những nét độc đáo gia truyền của Gốm Chi, nhưng đã làm đa dạng sản phẩm hơn, giúp sản phẩm gắn kết với cuộc sống hơn, chứ không chỉ đơn giản là đồ để bày như trước. Nói nôm na là có gì gốm làm được là mày mò ra sản phẩm phù hợp. Tuy tính nghệ sĩ có truyền thống, nhưng 3 người con của Gốm Chi đã học được tính sáng tạo, theo đuổi đến cùng của bố chồng mình.

Ông đã từng nghiên cứu thử nghiệm nguyên liệu và chất men, phục chế được ngói Hoàng Lưu Ly trong  Đại Nội Huế. Ngày ấy, bố chồng mình chỉ nghe ông Thái Công Nguyên -  Giám đốc khu di tích Hoàng thành Huế khi ấy hô hào các gia đình làm gốm về việc tìm ra cách phục chế ngói cổ là khăn gói lên đường vào cố đô luôn, để rồi lao vào tìm tòi, làm thử và phục chế lại được nguyên bản. Sau đó, ông giúp ban quản lý Hoàng thành lập xưởng gốm, đào tạo thợ để tự sản xuất theo quỹ hỗ trợ của Unessco  và chuyển giao bí quyết làm ngói cổ cho xưởng chứ không giữ riêng cho gia đình. Ngoài ra, ông Chi cũng là người phục chế được những viên gạch bát cổ ở sân cột cờ Hà Nội.

Với ngần ấy năm kinh nghiệm của bố truyền lại, cộng với tình yêu gốm từ thuở bé, chồng mình là con thứ hai trong gia đình cùng các anh em cũng đã tiếp nối quản lý xưởng gốm gia đình. Tuy nhiên giữ cho xưởng sống được và phát triển không hề dễ.

 

 

Giữa thị trường hàng Tàu bạt ngàn, giá rẻ, Gốm Chi sống được với nghề ra sao?

Đó cũng là vấn đề chung của các gia đình làm nghề truyền thống hiện nay, mình làm cách mấy cũng không thể hạ nổi giá thành so với hàng Trung Quốc. Bài toán kinh tế luôn khiến người  làm nghề thủ công Việt Nam gặp khó.

Trước đây, xưởng gốm nhà mình chủ yếu là do khách biết tiếng tự tìm đến đặt hàng, chủ yếu bán buôn, hoặc khách mua lẻ phải sang tận xưởng chọn đồ. Nhưng cách đây hơn ba năm, thị trường đi xuống trầm trọng, mảnh đất gia đình đang ở lại đang xây dựng để tề tựu đủ anh em về ở chung với nhau, cộng thêm chuyện xưởng gốm bị tốc mái, xuống cấp. Khó khăn chồng chất, hai vợ chồng mình cùng các thành viên trong gia đình đã thử mở cửa hàng bán gốm trên phố Trúc Bạch, nhưng không chịu nổi tiền thuê nhà nên lại đóng cửa. Nhìn ông xã mình lúc ấy quá vất vả, có mặt từ sáng đến tối ở xưởng để lo cho xưởng sống được, mình đã quyết định góp sức cùng chồng và các thành viên gia đình mở thêm con đường mới cho Gốm Chi.

Căn nhà gia đình xây xong, cả nhà quyết định để lại một tầng mở cửa hàng gốm, tiếp thị cũng chủ yếu là dùng facebook. Rất may, là những người đã yêu gốm Chi từ thuở xưa biết đến và quay lại. Người trẻ cũng thông qua mạng xã hội tìm đến thưởng thức. Nhiều người bày tỏ muốn học làm gốm, đặc biệt có bạn sinh viên học nghệ thuật ở nước ngoài về nghỉ hè ở Việt Nam là lao đến đây xin học vì “ở trường bên đó, họ bảo: Mày là người Việt Nam mà không biết một nghề thủ công truyền thống nào của đất nước à?”… Ngoài những bạn trẻ như thế, cũng có một nhóm người yêu gốm muốn học làm gốm khiến Gốm Chi quyết định mở lớp vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Đến nay, workshop đã hoạt động được một năm rưỡi giúp Gốm Chi lan tỏa tình yêu với gốm cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

 

 

Khách yêu gốm đến với workshop là những người như thế nào?

Đa phần họ đều có tri thức và một kiến thức nhất định về gốm. Trong những cuộc trò chuyện với khách, mình đã chia sẻ những câu chuyện có thật về nghề gốm gia đình, cộng thêm lớp học được những chuyên gia thực lực về gốm hướng dẫn nên giúp người tham gia nhen nhóm tình yêu gốm, yêu nghệ thuật trong tâm hồn hơn, đồng thời, cũng nhờ đó mà mình thấy cuộc sống thi vị hơn. Nhiều khi, mình vui lây khi nhìn học sinh tấm tắc với sản phẩm vừa làm ra sau nhiều lần nặn hỏng. Lắng nghe câu chuyện của một bạn trẻ đã mở trung tâm tiếng Anh cho trẻ con, muốn học gốm để về mở lớp ngoại khóa cho lũ trẻ biết thế nào là nghề truyền thống…

Lúc đầu, tham gia lớp học phần lớn là người nướ c ngoài, nhưng bây giờ, học sinh là các bạn trẻ đến đông hơn. Đặc biệt, có nhiều bà mẹ đưa con đến đây học gốm để “chiến thắng” nỗi sợ bẩn tay chân, làm quen với lấm lem đất, nước, với nặn với xoay để biến cục đất thành hình, bên cạnh đó, cũng giúp cho bọn trẻ có thời gian thư giãn “nghịch đất ra sản phẩm” sau những ngày học hành triền miên. Có mẹ nặn bát gốm để mong con ăn hết cơm trong bát mẹ làm. Có chàng trai cũng gửi tình yêu vào cốc gốm để tặng người yêu…

Bên cạnh những lớp học cho mọi người, Gốm Chi còn mạnh dạn mở một lớp miễn phí vào một buổi sáng thứ bảy trong tháng để dành cho các bé tự kỷ. Xuất phát từ sự đồng cảm với những bà mẹ có con không may mắn, mình những mong góp một phần tình cảm cho các bé có chỗ giải tỏa năng lượng và biết đâu gieo luôn tình yêu gốm cho những tâm hồn đặc biệt ấy. Mỗi buổi có từ 5 - 10 bạn đến tham gia cùng mẹ, rất may mắn là các bạn không chạy nhảy quậy phá trong workshop. Thậm chí, có bạn đã làm ra sản phẩm gốm rất tốt, rất tập trung khiến mẹ nhen nhóm hy vọng cho con theo nghề.

 

 

Bên cạnh sự phát triển của workshop, các sản phẩm thế mạnh của Gốm Chi thời hiện đại ra sao?

Gốm Chi vẫn giữ vững thế mạnh sản phẩm bằng phương pháp làm gốm cổ nhưng đã chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thị trường cần. Sản phẩm khá đa dạng, luôn tuân theo tiêu chí là dòng gốm nghệ thuật có phong cách riêng, từ đồ gia dụng hay trang trí trong nhà đến ngoài trời…

Sản phẩm của Gốm Chi hiện chia làm 3 dòng chủ yếu: Gốm gia dụng (bát, đĩa, cốc, chén…).  Gốm theo lối cổ (dòng gốm Lý, Trần, Mạc…) được Gốm Chi thẩm thấu và truyền tải theo cách riêng làm đồ dùng, trưng bày hoặc làm quà tặng. Những sản phẩm ấy đã từng được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn mua để tặng khách quốc tế. Gốm Trang trí Nội & Ngoại thất (lọ gốm, tượng điêu khắc, phù điêu, tranh mosaic, gạch gốm ốp lát, đèn gốm… Trong đó, sản phẩm bán chạy nhất vẫn là gốm gia dụng và Trang trí Nội & Ngoại thất do hiệu quả sử dụng. Resort Tam Cốc garden cũng đã dùng toàn bộ set đồ gốm của Gốm Chi, từ đồ nhà hàng cho đến đồ gia dụng.

Vậy Gốm Chi cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và tính hữu dụng ra sao?

Như đã nói ở trên, những đơn hàng vài nghìn sản phẩm gia dụng, trị giá khoảng 200 – 300 triệu đồng vẫn là nguồn thu tốt cho Gốm Chi, vì vậy, mình luôn lắng nghe phản hồi của khách hàng để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. VD: Cùng là một chiếc bát, bát của gốm Chi sẽ ngẫu hứng hơn, có thể sẽ là chiếc bát méo đầy chất dân dã, vừa hữu dụng, vừa muốn ngắm. Nhưng khi bên nhà hàng phản hồi là bát méo thế này khi xếp bát không khít, dễ vỡ, xưởng gốm của mình lại phải nghiên cứu để “méo” sao cho công dụng mà không mất đi tính đặc trưng của sản phẩm, đó chính là những điều tỉ mỉ, tâm huyết của người làm gốm, dù nhỏ cũng phải giải quyết bằng được. Đồng thời, sau mỗi vấp váp nhỏ như vậy, giá trị đạt được lớn hơn mình nghĩ vì cảm thấy thách thức đã được chinh phục, nhất là khi chuyển sang kinh doanh.

 

 

Những dụng công ấy có được đưa vào giá thành sản phẩm Gốm Chi không?

Giá thành luôn là vấn đề đau đầu không chỉ của người làm gốm thủ công. Cũng đã có người đến mua Gốm Chi kêu giá đắt, nhưng quả thật, mình còn chưa dám cộng hết tiền lương của hai vợ chồng vào giá thành gốm vì chi phí nguyên liệu, lương nhân viên, vận hành xưởng để làm ra một sản phẩm gốm đã khá lớn. Bởi lẽ, một sản phẩm gốm từ khi được làm đất, chuốt, tiện, vẽ trên men, nung mất khoảng một tuần, đôi khi nung xong vẫn cần chuốt lại… với từng ấy công đoạn tỉ mẩn và thời gian dài, sản phẩm gốm thủ công không thể rẻ.

Đó là chưa kể, trong mẻ gốm có sản phẩm hỏng, hay một đơn hàng, khả năng sản phẩm lỗi lên đến 20%. Gốm đòi hỏi phải nâng niu tuyệt đối, sốt ruột cho ra lò sớm 10 phút cũng bị nứt do nóng chưa đến độ đã gặp lạnh. Hoặc với những đơn hàng cần sản phẩm dù thủ công cũng phải có màu đồng đều mà gặp phải mẻ gốm hỏa cũng coi như phải làm lại cả mẻ mới, mặc dù gốm hỏa luôn được khách sưu tầm gốm quý săn lùng do lửa tự tạo nên một màu men đặc biệt mà con người không thể can thiệp, nhưng với đơn hàng, đó vẫn là một mẻ gốm hỏng.

Làm gốm quá vất vả, vậy trong tương lai chị hy vọng ra sao về Gốm Chi?

Mình và các thành viên gia đình đang có nhiều dự định cho Gốm Chi lắm. Định cải tạo showroom ở 43 Vạn Kiếp để thành những không gian nhỏ như phòng khách, phòng ăn, bày các set gốm cho toàn bộ các căn phòng trong nhà,  kết hợp với trang trí nội thất (đúng chuyên ngành của mình) giúp khách tưởng tượng ngay ra không gian sống để tìm được sản phẩm gốm phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng sẽ mở thêm showroom bên xưởng gốm của gia đình gần ga Yên Viên để khách có thể tham quan luôn các quy trình làm gốm của những thợ lành nghề. Song song với những hoạt động này, mình mong muốn tiếp cận với những công ty du lịch, khách sạn để xây dựng các tour du lịch ghé đến các showroom của Gốm Chi như một điểm đến trong hành trình thăm quan nghề thủ công của Hà Nội.

Dự định còn nhiều lắm, nhưng vợ chồng mình mong mỏi nhất là trong 3 cô con gái, có ít nhất một bạn muốn theo nghề gốm của gia đình. Dù được tiếp xúc với đất, với bàn xoay và các sản phẩm gốm của gia đình từ nhỏ, nhưng nếu không nhen nhóm tình yêu gốm trong mỗi câu chuyện hàng ngày, từ chiếc bát, cái chén đong đầy tình thương yêu của bố mẹ, của những nghệ nhân gốm thì chưa chắc lũ trẻ đã muốn theo nghề này. Vì ngoài những điều đẹp đẽ, chúng cũng chứng kiến nỗi vất vả, cực nhọc của người làm gốm. Tuy nhiên, nếu ai thấy khổ thì sẽ khổ, còn đã yêu gốm cháy bỏng sẽ thấy đời màu hồng, cảm xúc hồi hộp lần nào cũng như lần đầu khi mỗi một mẻ gốm ra lò. Mình nặn ra nó thật đấy, nhưng đất, nước, lửa hòa quyện lại cho ra những sản phẩm không ngờ tới, đó là lý do vì sao gốm thủ công có nhiều câu chuyện để kể đến vậy.

Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!!!!!