Gốm Chi, nét “độc” trong mắt nghệ nhân"dị"

Yêu những thứ không"đụng hàng"

Chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất gốm Chi ở Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội). Không có những âm thanh vốn quen thuộc của làng nghề với ống khói ngút trời, tiếng động cơ máy móc, tiếng lao xao mua bán, sau cánh cửa sắt sơn xanh nhuốm màu xưa cũ được vắt khóa hờ, xưởng gốm Chi khá lặng lẽ, u tịch. Cái tĩnh lặng lý tưởng để người nghệ sĩ phiêu diêu sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm gốm độc bản, không bao giờ "đụng hàng".

Dưới vòm khế sum suê, anh Nguyễn Hồng Tân, con trai thứ của ông chủ gốm Chi đang thả hồn say sưa hoàn thiện những chiếc ấm đất pha trà cỡ lớn. Gọi là xưởng sản xuất nhưng ở đây rất ít khuôn hình (để sản xuất đại trà), bởi đa số sản phẩm gốm Chi đều được làm thủ công. Trên sân, mười chiếc ấm vừa được tạo hình đang phơi, mỗi chiếc một kiểu dáng, cách tạo vuốt khác nhau. Gần Tết, thiên hạ hối hả sắm sửa, còn anh vẫn mải mê, thong thả với những “cục đất” này. “Là nghệ thuật nhưng vẫn phải đảm bảo công năng sử dụng. Những chiếc ấm trà này còn có thể dùng để cắm hoa ngày Tết. Chúng rất hợp với những cành ly rực rỡ hay bó cúc vàng!” – anh Tân vừa chia sẻ vừa luôn tay điều chỉnh tay nắm của chiếc ấm.

Không chỉ ấm trà mà hầu hết các sản phẩm gốm Chi đều được làm độc bản, đầy tính ngẫu hứng, mang đậm dấu ấn cá nhân, bởi như anh Tân nói: “Vội vàng để sản xuất theo lô, theo khuôn thì không phải gốm Chi”. Có khi cùng một loại sản phẩm, nhưng mỗi chiếc đều có tên riêng, gắn với một thời khắc “phát tiết tinh hoa” mà bàn tay nghệ sĩ đã vuốt đất tạo hình, nhúng tráng men hay đưa bút vẽ. Nếu đã trót thích những gì vuông vắn, tròn trịa, cân đối, e rằng bạn khó “hợp” với gốm Chi. Bởi điều làm nên sự khác biệt của dòng gốm Chi mà các nghệ nhân làng gốm khác như ở Bát Tràng, Hương Canh, Chu Đậu, Phù Lãng... không có - Đó là màu men, kiểu dáng, trang trí mang hơi hướng lãng du không theo quy chuẩn, nguyên tắc nào nhưng lại duyên dáng vô ngần.

Bất cân đối mà lại cân đối

 
Tùy vào từng điều kiện ánh sáng, góc nhìn khác nhau, gốm Chi cho cảm nhận về màu men khác biệt. Ảnh: Chí Cường

Gốm Chi có màu men tự nhiên biến ảo, những vết màu loang đầy ngẫu hứng trên thân bình hoa, ấm trà, cốc nước với cách nhúng men khẽ khàng, điệu nghệ của một nghệ nhân nhiều ý tưởng. Lớp men này được chủ nhân cố tình tráng không đều đặn, mà phủ chỗ dày, chỗ mỏng, chỗ để trống, chỗ khác lại nhỏ giọt buông lơi tựa hồ lớp tuyết lãng đãng bám trên bề mặt căn nhà châu Âu mùa đông giá. Nhưng, có khi chính nó, những giọt men như lớp nến hờ hững ôm lấy thân gốm lại gây cảm hứng tự nhiên đến lạ. Đặc biệt, tùy theo từng điều kiện ánh sáng khác nhau, góc nhìn khác nhau, bình gốm sẽ cho người xem một cảm nhận về sắc men khác biệt.