Lịch sử ra đời gốm chi Việt Nam.

Gốm Chi khởi phát từ một gia đình làm đồ gốm gia dụng và dân dụng phát triển tốt nhất vào cuối những năm 1940, đầu những năm 1950 tại Chí Linh – Hải Dương và thời gian sau đó tại Bến Tuần – Bắc Giang. Thời kỳ đó, gia đình có tới 3 xưởng với trên 100 công nhân. Nhưng việc làm ăn của gia đình tan rã sau chính sách “cải tạo công thương” (công hữu hoá các xí nghiệp tư nhân) những năm 1956-1958…

Cuối những năm 1960, nghệ sỹ Nguyễn Văn Chi từ bỏ việc làm kỹ thuật chính tại xí nghiệp sứ Hải Phòng lên Hà Nội tự mở xưởng gốm sản xuất các sản phẩm gốm trang trí như ấm chén, hình trang trí. Năm 1970, ông tự làm lò gốm cá nhân đầu tiên tại 68 phố Nguyễn Du, Hà Nội dưới dạng lò than với khối tích nhỏ, sản xuất các sản phẩm lọ gốm cắm hoa Tết. Ông phơi sản phẩm chưa nung tại góc phố Nguyễn Du, cảnh tượng này nhiều người yêu Gốm Chi vẫn còn nhớ. Các lọ gốm cắm hoa của nghệ sỹ Nguyễn Văn Chi nhận được nhiều sự hưởng ứng của khách hàng. Từ đây, biệt danh “Chi lọ” được hình thành và công nhận bởi các nghệ sỹ và giới yêu gốm Hà thành.

Năm 1987, nghệ sỹ Nguyễn Văn Chi đã tham gia phục chế di tích Cột cờ Hà Nội trong mảng sản phẩm “gạch Bát”, một sản phẩm gạch cổ của Bát Tràng mà chính các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng cũng không phục chế được. Hiện nay gạch Bát do nghệ sỹ Nguyễn Văn Chi làm vẫn còn lát toàn bộ khu vực sân và các tầng của Cột cờ Hà Nội.

Giai đoạn thành công lớn những năm 1989-2000 là khi nghệ sỹ Nguyễn Văn Chi cùng các con tham gia trùng tu di tích Hoàng thành Huế dưới hình thức phục chế ngói Thanh Lưu Ly, Hoàng Lưu Ly và một số loại gạch men, gạch mộc hiện nay vẫn đang được sử dụng tại khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Nghệ sỹ Nguyễn Văn Chi được mời vào Huế làm công việc này sau khi các nhà trùng tu đã không tìm được một xưởng nào còn lưu giữ nghề làm ngói lưu ly ở Huế.

Từ những năm 2000 trở đi, cái tên Gốm Chi được biết đến rộng rãi tại Hà Nội qua các sản phẩm gốm đặc sắc, phong phú về chủng loại, tạo dấu ấn tại nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Nổi bật có việc Gốm Chi được chọn tham gia triển lãm Gốm Việt – Nhật trong chương trình giao lưu văn hoá hai nước vào giữa những năm 2000. Được đào tạo về điêu khắc và tạo dáng tại Trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp, nơi đào tạo nghệ thuật hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, những người con của nghệ sĩ Nguyễn Văn Chi, một mặt kế thừa những vốn nghề từ người cha truyền lại, đã khẳng định được bản lĩnh sáng tạo của người nghệ sỹ trong cuộc sống đương đại./.